Loading...

Công nghệ nhận diện FaceID và thực tiễn ứng dụng trong Tổ chức/ Doanh nghiệp

Công nghệ nhận diện khuôn mặt (FaceID) đang là một trong những khía cạnh được nghiên cứu và phát triển trải dài trên nhiều lĩnh vực cũng như ngành học. Nguyên do cho sự phát triển này chính nhờ vào khả năng ứng dụng đa dạng của công nghệ nhận diện khuôn mặt có thể kể đến như: nhận diện thẻ ngân hàng, kiểm soát truy cập, giám sát an ninh và giám sát hệ thống, … Trong tương lai, đây hứa hẹn sẽ là một công nghệ đóng vai trò quan trọng không chỉ trong các Doanh nghiệp/ Tổ chức mà còn trong nhiều khía cạnh cuộc sống.

Công nghệ FaceID là một ứng dụng có khả năng xác định được hình ảnh khuôn mặt của một người nào đó dựa trên các đặc điểm mà cơ sở dữ liệu đã lưu trữ trước đó. Công nghệ nhận dạng khuôn mặt có thể xác định khuôn mặt một người trong hình ảnh hoặc video hoặc tìm kiếm khuôn mặt trong một bộ dữ liệu đồ sộ hiện có.

Theo Forbes, thị trường công nghệ nhân diện khuôn mặt đã đạt tới mức 4 tỷ đô trong năm 2020 và được dự đoán sẽ gấp 4 đến 5 lần vào năm 2030. Trong giai đoạn cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp được các hệ thống nhận diện khuôn mặt tại các ngân hàng, công ty, văn phòng, trường học, bệnh viện hay trên chính các thiết bị thông minh của chúng ta.

Hiện nay, vai trò của công nghệ FaceID đang ngày càng quan trọng đối với các Doanh nghiệp/ Tổ chức. Công nghệ này đã góp phần không nhỏ trong việc gia tăng năng suất cũng như tiết kiệm thời gian xử lý công việc cho bộ phận nhân viên cũng như quản lý. Đa số Doanh nghiệp/ Tổ chức đã sử dụng công nghệ này phục vụ cho mục đích quản lý nhân sự thông qua các phần mềm chấm công FaceID. Việc sử dụng các phần mềm này sẽ giúp các doanh nghiệp tăng khả năng chính xác trong việc nhập liệu dữ liệu chấm công, tiết kiệm thời gian cho nhân viên cũng như bộ phận kế toán. Trong thời điểm đại dịch Covid-19, việc chấm công bằng vân tay đòi hỏi nhân viên cần phải tiếp xúc với thiết bị thì với FaceID, nhân viên có thể chấm công một cách tự động mà không cần phải chạm thiết bị hay thậm chí việc tháo khẩu trang.

Hình 01: Công nghệ FaceID

Ngoài ra, khả năng tăng cường bảo mật cũng là một điểm mạnh của công nghệ nhận diện khuôn mặt. FaceID có thể dễ dàng kết hợp với các tính năng bảo mật sẵn có như vân tay, mật khẩu hoặc mã PIN. Không những thế, đây còn là công nghệ nhanh và tiện lợi hơn so với những công nghệ sinh trắc học khác như quét vân tay hoặc võng mạc.

Vậy hệ thống nhận diện khuôn mặt được sử dụng trong những trường hợp nào? Sau đây là một số ứng dụng thực tiễn của hệ thống nhận diện khuôn mặt:

Phát hiện sai phạm: Các doanh nghiệp/tổ chức có thể sử dụng nhận dạng khuôn mặt để xác định danh tính của nhân viên phòng trường hợp truy cập tới những tài nguyên không được phép. Các trường học cũng có thể ứng dụng công nghệ này trong quá trình vận hành các kỳ thi để phòng chống gian lận.

Kiểm soát tại sân bay: Nhiều sân bay trên thế giới hiện nay đã sử dụng FaceID làm hộ chiếu, cho phép hành khách không cần phải xếp hàng dài chờ đợi làm thủ tục mà chỉ cần đi qua cửa là có thể hoàn tất thủ tục một cách tự động.

Ngân hàng: Công nghệ nhận diện khuôn mặt hỗ trợ rất nhiều trong việc xác thực giao dịch. Giao dịch sẽ được xử lý nhanh hơn và an toàn hơn.

Chăm sóc sức khỏe, y tế: FaceID có thể được sử dụng để truy cập tới các hồ sơ bệnh án. Ngoài ra có thể hỗ trợ đăng ký bệnh nhân tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Và một số lãnh vực khác như: Giáo dục, an ninh quốc phòng, giám sát rừng, môi trường tài nguyên, …

Hình 02: Vị trí công nghệ FaceID trong các lĩnh vực

Kết luận:

Nhận diện khuôn mặt đang trở thành xu hướng của thị trường thương mại, giúp các doanh nghiệp xây dựng hệ thống quản lý nhạy bén và sáng tạo. Trong thời kỳ bùng nổ của công nghệ thông tin cùng với tốc độ phát triển nhanh của ngành khoa học dữ liệu, không lâu nữa, công nghệ nhận diện khuôn mặt sẽ phổ biến đến mức chúng ta sẽ xem đây là một điều hiển nhiên. Tuy nhiên, trong thực tế, những gì mà chúng ta cần không phải chỉ dừng lại tại việc nhận diện khuôn mặt mà còn là chúng ta sẽ sử dụng khả năng ấy như thế nào.

Nguồn: HONEYNET và Internet