IDC – Nhà cung cấp dữ liệu thị trường công nghệ thông tin hàng đầu thế giới – dự báo đến năm 2022, tới 65% GDP toàn cầu sẽ đến từ số hóa. Đến cuối năm 2022, 70% tổ chức và doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số, nhằm chuyển đổi các quy trình hoạt động hiện tại để tăng cường tương tác với khách hàng, nâng cao năng suất lao động và nâng cao năng lực kinh doanh. Hơn nữa, đầu tư vào chuyển đổi kỹ thuật số toàn cầu vẫn đang tăng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) được dự báo là 15,5% trong giai đoạn 2020-2023. Lĩnh vực này dự kiến sẽ đạt 6,8 nghìn tỷ đô la, khi nhiều công ty đang tận dụng các chiến lược đầu tư hiện tại với sự trợ giúp của công nghệ để trở thành ngành kinh doanh kỹ thuật số của tương lai.
Hình 01: Thị trường công nghệ thông tin toàn cầu theo khu vực địa lý: 2020-2026
Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) đã là một nền tảng quan trọng trong việc cung cấp thông tin trong các tổ chức, bao gồm cả các cơ quan chính phủ. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của thị trường công nghệ thông tin thế giới cũng như Việt Nam, truyền thông đa phương tiện trong môi trường quản lý cũng góp phần quan trọng trong việc mở rộng ứng dụng công nghệ. Tuy nhiên, cùng với làn sóng chuyển đổi số, đầu tư vào công nghệ cũng như ứng dụng công nghệ cao vào cuộc sống hàng ngày, việc đánh giá liệu những công nghệ lạ mắt đó có thực sự thành công về mặt ứng dụng cụ thể hay không và liệu nó có tạo ra được giá trị thiết thực cho người dùng không?
Trên thực tế, có rất nhiều bộ chỉ số và công thức để đánh giá mức độ thành công của hệ thống thông tin, công nghệ cũng như chuyển đổi số. Tuy nhiên, những chỉ số đánh giá này có phần phiến diện khi đến từ chính các nhà cung cấp dịch vụ công nghệ, từ sự chủ quan khi đánh giá sự việc, cũng như ảnh hưởng của chính trị. Đối mặt với sự phát triển vượt bậc của công nghệ hiện đại và cuộc chạy đua đầu tư vào hạ tầng công nghệ, đôi khi các nhà lãnh đạo hoặc nhà cung cấp dịch vụ / nhà cung cấp sản phẩm quên mất yếu tố quan trọng nhất của mọi sản phẩm: người dùng.
Trong số các mô hình và mẫu đánh giá mức độ thành công của hệ thống thông tin, mô hình của DeLone và McLean thể hiện rõ nhất mối tương quan giữa các yếu tố bên ngoài và bên trong, thông qua việc đánh giá giá trị mang lại cho người dùng và động cơ khiến người dùng sử dụng hệ thống. Kiến trúc của mô hình này sẽ là nền tảng để tiếp cận và là tiền đề cho các nghiên cứu chuyên sâu về thành công của hệ thống thông tin tại Việt Nam, từ đó tạo cơ sở cho việc chuyển đổi số song hành với trải nghiệm người dùng.
Hình 02: Mô hình đánh giá thành công hệ thống thông tin của DeLone và McLean
Trong đó, các thành phần của mô hình được mô tả như sau:
System Quality (Chất lượng hệ thống): đo lường các đặc tính mong muốn của hệ thống thông tin. Thành phần này mô tả mức độ thân thiện với người dùng của hệ thống và có thể được sử dụng mà không gặp khó khăn. Yếu tố này cũng đại diện cho chất lượng của hệ thống thông tin, thường là kết quả của phần mềm và phần cứng hệ thống đang được sử dụng.
Information Quality (Chất lượng thông tin): giá trị đầu ra của hệ thống được người sử dụng hệ thống xem được gọi là chất lượng thông tin. Thông thường, chất lượng thông tin được đánh giá về độ chính xác, kịp thời, đầy đủ, phù hợp và nhất quán.
Service Quality (Chất lượng dịch vụ): yếu tố này đo lường chất lượng của các dịch vụ hỗ trợ do nhà phát triển hệ thống cung cấp. Nghiên cứu được thực hiện trước đây đã đánh giá yếu tố dịch vụ về các khía cạnh chất lượng dịch vụ như sự đảm bảo và khả năng đáp ứng được cung cấp bởi nhóm hỗ trợ hệ thống, cũng như việc cung cấp đào tạo người dùng.
System Use (Sử dụng hệ thống): yếu tố này đánh giá cách thức sử dụng hệ thống thông tin. Nó cũng thể hiện mức độ và hình thức sử dụng hệ thống và khả năng một cá nhân tham gia vào một hành vi cụ thể trên hệ thống.
User Satisfaction (Sự hài lòng của người dùng): được coi là một trong những khía cạnh thành công chính của hệ thống thông tin, đồng thời có mối liên hệ giữa sự hài lòng của người dùng và việc sử dụng hệ thống. Các nội dung phát sinh từ chất lượng thông tin, hệ thống và dịch vụ có khả năng cải thiện ý định của người dùng và việc sử dụng hệ thống thực tế.
Net System Benefits (Lợi ích khi sử dụng): được xem là kết quả hướng đến của tổ chức/ doanh nghiệp xây dựng và ứng dụng hệ thống thông tin. Có thể kể đến như hiệu năng công việc, giá trị thông tin tạo ra, khác.
Thông qua mô hình khoa học này, Tổ chức/ Doanh nghiệp có thể xây dựng phương thức đánh giá cho riêng mình, đồng thời ứng dụng vào thực tiễn chuyển đổi số, làm nền tảng cho các kế hoạch, định hướng của Tổ chức/ Doanh nghiệp.
Nguồn: HONEYNET và Internet